Với dân số gần 1,5 tỉ người, Trung Quốc luôn là thị trường hấp dẫn cho các nước xuất khẩu. Đặc biệt với nông sản VN, đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất, tiềm năng nhất.
“Bếp ăn” của nhiều nông sản Việt
Cuối tháng 10, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), hồ hởi khoe: “Tôi vừa ký kết một hợp đồng xuất khẩu chính ngạch mặt hàng tôm hùm sống sang Hồng Kông với số lượng không hạn chế, bình quân mỗi tuần 4 – 5 tấn, giá bán 41,5 USD/kg. Đây là tin rất vui cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chính ngạch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Trước đó, DN Trung Quốc cũng đã ký kết hợp đồng lên đến 2.000 tấn xuất khẩu trong cả năm 2023. Việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu đã giúp cho giá tôm hùm thu mua trong nước dần hồi phục”. Hiện nay 90% sản lượng tôm hùm VN được thị trường Trung Quốc tiêu thụ, chính vì vậy giá bán cũng như đầu ra đều phụ thuộc vào thị trường tỉ dân này.
Thị trường Trung Quốc có tác động lớn đến giá cả và sản lượng nhiều mặt hàng nông sản của VN cũng như nhiều nước trong khu vực. Từ mặt hàng sản lượng lớn như cà phê, hồ tiêu, gạo, thủy sản… đến những loại nông sản đặc thù như trái cau, lông vịt… cũng đều được Trung Quốc thu mua. “Bếp ăn” của thế giới này giúp nhiều mặt hàng nông sản của VN gia tăng giá trị cũng như khối lượng xuất khẩu.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), nhớ lại: “Trước đây thị trường Trung Quốc khá dễ tính, họ tiêu thụ hơn 40% hạt điều vỡ, hạt lép, xấu, và gần như không đòi hỏi một tiêu chuẩn kiểm định nào. Từ vài năm gần đây, hàng rào tiêu chuẩn của Trung Quốc ngày càng khắt khe, các DN VN muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng được các điều kiện. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà mặt hàng điều chất lượng cao mới thâm nhập được Trung Quốc, kim ngạch cũng tăng dần lên. Hiện nay thị phần xuất khẩu hạt điều lớn nhất của VN vẫn thuộc về Mỹ, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng vượt lên giành lấy vị trí thứ hai của châu Âu, và không còn kém Mỹ bao nhiêu”.